Giỏ hàng của bạn trống!
Kỹ thuật làm chuồng trại nuôi bò
30/09/2019
Chuồng trại theo đúng quy chuẩn là một điều vô cùng quan trọng trong việc phát triển mô hình chăn nuôi với quy mô lớn, vừa hay nhỏ. Chuồng nuôi rất cần thiết để che mưa, che nắng, chống nóng và chống rét cho bò. Vì vậy cần phải xây dựng chuồng trại hợp lý, bởi vì nó là yếu tố quan trọng giúp cho bò chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết, tạo điều kiện cho con vật luôn trong tình trạng sức khoẻ tốt, sinh trưởng và phát dục bình thường. Sau đây là những điều cần biết để xây dựng một chuồng bò theo đúng quy chuẩn.
1. Địa điểm xây dựng chuồng bò
– Vị trí, địa điểm: cần xây dựng chuồng nuôi bò tại nơi cao ráo, thoáng mát, dễ thoát nước. Trong trường hợp chăn nuôi bò thịt nông hộ có thể xây chuồng liền nhà vệ sinh hoặc liền bếp. Nếu nuôi số lượng lớn bò thịt, theo quy mô trang trại, nên xây dựng chuồng cách xa nhà ở và khu dân cư, trường học, chợ. Cũng cần lưu ý đặt chuồng gần trang trại trồng cỏ nuôi bò, đồng cỏ, bãi chăn thả, thuận tiện giao thông và nguồn nước phục vụ cho bò
2. Hướng chuồng
Tiêu chí tiên quyết trong việc lựa chọn hướng chuồng chính là đảm bảo cho vật nuôi tránh được lạnh vào mùa đông và mát vào mùa hè. Vi vậy chuồng nuôi bò nên đặt theo hướng Nam hoặc Đông Nam là tốt nhất.
Loại bò | Chiều dài chỗ đứng (m) | Chiều ngang chỗ đứng (m) | Diện tích chỗ đứng (m2) | Diện tích xây dựng (m2) |
1. Bò đực giống | 2 | 1.8 | 3.6 | 6 |
2. Bò cái | 1.6 | 1 | 1.6 | 3 |
3. Bê sơ sinh đến 6 tháng | 1.0 | 0.9 | 0.9 | 1.5 |
4. Bò đẻ | 2 | 1.5 | 3 | 5 |
5. Bê đực, cái từ 7-14 tháng | 1.2 | 1 | 1.2 | 2 |
6. Bê >18 tháng | 1.5 | 1 | 1.5 | 2.4 |
7. Bò vỗ béo các loại | 1.6 | 1.1 | 1.7 | 2.4 |
3. Diện tích chỗ đứng và diện tích xây dựng
Từ bảng trên, dựa vào số lượng vật nuôi của đàn chúng ta có thể tính ra diện tích cần thiết cho chuồng trại của mình.
4.Nền chuồng
Thông thường, nền chuồng được xây bằng xi măng, gạch đá hoặc đúc nhiều tấm xi măng rồi ghép lại. Tuy nhiên, điều cần lưu ý nhất đó là khi xây nền chuồng phải có độ dốc về phía sau từ 1,2-1,5% giúp nước chảy về hướng đó tránh gây ứ đọng mất vệ sinh. Trường hợp lát gạch cho nền nên sử dụng loại gạch có ma sát cao tránh trơn trượt cho vật nuôi.
5.Rãnh thoát nước
Rãnh thoát nước là một trong những bộ phận cần thiết nhất, giúp đảm bảo chuồng nuôi bò được khô ráo và sạch sẽ cũng như giúp khâu dọn vệ sinh chuồng đơn giản hơn rất nhiều. Cách tốt nhất là bạn nên bố trí rãnh ở cả phía trước và sau với độ dốc vừa đủ và nối liền với cống rãnh thoát nước nói chung. Rãnh thoát nước tiểu có độ dốc 0,2 – 0,5% là hợp lý nhất.
6.Máng ăn, uống:
Thông thường, chất liệu sử dụng để làm máng ăn, máng uống là xi măng, bê tông, tuy nhiên cũng có thể sử dụng chất liệu là gỗ để làm máng ăn, uống cho vật nuôi. Đáy máng thường phải cao hơn nên 0.2m để thuận tiện cho vật nuôi có thể ăn uống. Ngoài ra, nên chú ý đến việc thiết kế lòng máng trơn láng để thuận lợi cho quá trình vệ sinh sau này.
7.Tường chuồng:
Tường chuồng có thể tận dụng các vật liệu có sẵn như tre, nứa, hoặc nếu có điều kiện bạn có thể sử dụng chất liệu tốt như kim loại, inox để tăng độ bền cho chuồng nhưng tốt nhất vẫn là gạch vì gạch có thể giữ ấm cho vật nuôi vào mùa lạnh. Tuy nhiên, chuồng trại nên có cửa vững chắc và kín để có thể che chăn mưa gió cũng như thời tiết lạnh vào những ngày mùa đông.
8.Mái chuồng:
Là bộ phân giúp che mưa nắng cho vật nuôi nên mái chuồng là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng chuồng trại. Mái chuồng nên có độ cao từ 3.2-3.5m và cần có độ dốc để thuận tiện cho việc thoát nước. Chiều dài hợp lý nhất của mái chuồng là vừa đến nơi có rãnh thoát nước, điều này đảm bảo cho chỗ ở của vật nuôi luôn được khô ráo, thoáng mát.
Chất liệu để làm mái chuồng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi hộ gia đình. Có nhiều loại chất liệu có thể sử dụng làm mái che như tấm fibro, tôn thay thậm chí chỉ là mái tranh. Tuy nhiên, tốt hơn cả là gạch ngói vì gạch ngói có khả năng chống nóng tốt nhất cho vật nuôi nhưng chi phí rất cao.
9.Hố phân:
Về cơ bản, hố phân thường được xây dựng ngay gần chuồng để thuận tiện cho việc vận chuyển. Khi xây dựng hố phân cần lát gạch, tráng xi măng và bắt buộc phải có nắp đậy đầy đủ để đảm bảo vệ sinh môi trường.
10.Công trình phụ trợ (Nhà kho chứa thức ăn):
Trong chăn nuôi gia súc nhai lại nói chung và bò thịt nói riêng kho chứa cỏ khô và rơm khô rất quan trọng. Người ta có thể tính được diện tích kho chứa trên cơ sở số đầu gia súc và lượng cỏ giống, cỏ nuôi bò cần dự trữ cho mỗi con. Nhà kho cũng cần xây ở vị trí thuận lợi và gần với chuồng trại để thuận lợi cho việc cho ăn.
Chuồng trại là một yếu tố quan trọng quyết định đến quá trình phát triển của vật nuôi. Vì vậy, các bạn nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia chăn nuôi để xây dựng một chuồng trại hợp lý và khoa học nhất.
Không có bình luận nào cho bài viết.